Vì sao giá thành nuôi tôm tại Việt Nam cao hơn thế giới?

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Thực Phẩm Sao Ta cho biết, hiện giá thành nuôi tôm tại Việt Nam đang cao hơn 1 USD/kg. Nguyên nhân là do hệ số nuôi trúng (hệ số thu hồi) còn thấp. Giá cả đầu vào như con giống, thức ăn cao hơn thế giới.
Tại hội thảo "Nhu cầu tôm thế giới và khả năng cung cấp của Việt Nam đến 2025", ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Thực Phẩm Sao Ta cho biết, tiềm năng về nuôi tôm ở Việt Nam còn rất lớn bởi diện tích đất có thể nuôi tôm trên 700.000 ha. Bên cạnh đó, thời tiết gần như có thể nuôi tôm quanh năm.
(Ảnh: Minh Anh)
Theo ông Lực, Việt Nam có trình độ nuôi tôm trên ngưỡng trên trung bình thế giới. Có nhiều trang trại nuôi trình độ cao, đạt chuẩn nuôi quốc tế như ASC, BAP.... Việt Nam có gần trăm nhà máy, chế biến tôm với công suất chung 500.000 tấn/năm, có thể mở rộng quy mô gấp đôi trong thời gian ngắn. Nhiều nhà máy chế biến quy mô lớn – đáp ứng nhu cầu các hệ thống phân phối lớn.
Tuy nhiên, ngành tôm đang phải đối đầu với nhiều thách thức như tình trạng nuôi tôm nhỏ lẻ, manh mún, dẫn đến việc kiểm soát bị hạn chế. Hiện phần lớn các hộ nuôi tôm chỉ có diện tích từ 1 - 2 ha/hộ trong khi đối với các nước trên thế giới, quy hoạch nuôi tôm tập trung từ hàng trăm đến hàng nghìn ha/hộ.
Cơ sở hạ tầng chưa đuổi kịp theo phong trào nuôi, nhiều vùng nuôi thiếu điện, thủy lợi, giao thông. Ông Lực cho biết, muốn tăng năng suất tôm phải nuôi thâm canh thì cần dùng khá nhiều điện. Mặt khác, hệ thống giao thông hiện nay đòi hỏi việc vận chuyển thành phẩm từ nhà máy đến nơi tiêu thụ càng sớm càng tốt.
Ngoài ra, tôm giống chưa chuẩn mực do đến từ nguồn chất lượng khác nhau và có nhiều cơ sở nhỏ tổ chức sinh sản nhân tạo. Ông Lực cho hay, việc chủ động nuôi giống tốt, sạch bệnh có phần hạn chế. Hiện tại, giá thành nuôi tôm cao hơn 1 USD/kg so với các nước khác. Lý giải nguyên nhân, ông Lực cho hay, hệ số nuôi trúng (hệ số thu hồi) còn thấp. Giá cả đầu vào như con giống, thức ăn lại cao hơn thế giới.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến